Các nước sản xuất rượu vang đá Rượu vang đá

Canada

Xem thêm thông tin: Rượu vang Canada
Một chồng thùng rượu gỗ tại xưởng rượu vang The Ice House, bán đảo Niagara.

Bán đảo Niagara nằm tại tỉnh Ontario, trái ngược với các xứ rượu vang khác trên thế giới, có mùa đông lạnh giá hằng năm và hiện được coi là nhà sản xuất vang đá lớn nhất thế giới.[12][13] Sản lượng rượu vang đá của Canada lớn hơn tổng sản lượng rượu vang đá của tất cả các quốc gia khác.[1] Các xưởng vang tại tỉnh Ontario sản xuất được 800,000 lít vang đá trong năm 2016,[14] chiếm tới khoảng 90% lượng rượu vang đá được sản xuất tại Canada.[15] Một số tỉnh khác tại nước này cũng có hộ trồng nho và ủ rượu vang đá, trong đó có tỉnh British Columbia, QuébecNova Scotia.[16] Việc sản xuất rượu vang đá tại hai tỉnh British Columbia và Ontario hiện nằm dưới sự điều chỉnh của Hệ thống quản lý chất lượng Vintners (VQA). Để có thể được dùng làm rượu vang đá thì mức đường trong nho cần phải cao hơn mức sàn là 35 độ Brix (tức là 35 gam saccarose trên 100 gam dung dịch), cao hơn so với mức sàn khi làm rượu eiswein của Đức.[12] Những trái nho không đạt mức đường trên sẽ được chuyển sang để sản xuất các dòng rượu bậc thấp hơn như Special Select Late Harvest (vang nho chín kĩ đặc tuyển) và Select Late Harvest (vang nho chín kĩ). Sau sự kiện một xưởng vang di dời nho lên núi cao để tìm cái rét giá vào năm 1999 trong nỗ lực đối phó với nhiệt độ mùa đông chưa đủ lạnh, chính quyền tỉnh British Columbia đã tiến hành siết chặt hơn nữa quy định đối với lĩnh vực sản xuất rượu vang đá vào năm 2000.[17]

Mặc dù Pelee Island và Hillebrand là hai xưởng vang đá thương mại đầu tiên của Canada, nhưng từ năm 1983, Inniskillin mới được coi là xưởng vang đá Canada được biết đến rộng rãi nhất với tư cách là xưởng rượu Canada đầu tiên giành được giải thưởng quốc tế lớn tại triển lãm Vinexpo 1991 diễn ra ở Pháp, đưa vang Canada lên trường quốc tế.[18] Xưởng rượu điền trang Pillitteri nổi lên vào thập kỷ 2000 và nay đã trở thành xưởng rượu vang đá điền trang lớn nhất thế giới.[18][19] Vào tháng 11 năm 2006, nhà sản xuất Royal DeMaria cho ra mắt năm két vang đá Chardonnay loại chai 375 ml, mỗi chai có giá 30,000 CAD và nghiễm nhiên trở thành dòng rượu vang đắt giá nhất thế giới.[20]

Châu Âu

Xem thêm thông tin: Rượu vang Đức
Sản phẩm rượu vang đá của xưởng vang Ernst Loosen, có trụ sở tại xứ trồng nho Rhine Palatinate.

Rượu vang đá Eiswein của Đức thuộc hàng đắt nhất cũng như nổi tiếng nhất.[21] Mặc dù vậy rượu vang đá cũng được sản xuất tại một số quốc gia châu Âu khác như Áo, Ba Lan, Croatia, Đan Mạch, Gruzia, Hungary, Litva, Luxembourg, Moldova, Pháp, Rumani, Séc, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển,Thụy Sĩ và Ý nhưng với sản lượng có hơi ít hơn.[cần dẫn nguồn] Rượu Eiswein được phân vào hạng mục Prädikatswein (rượu vang thượng hạng) trong hệ thống phân loại rượu vang Đức. Thuật ngữ tiếng Pháp Vin de glace được dùng cho rượu vang đá trong hệ thống phân loại vang Luxembourg nhưng lại không được dùng trong hệ thống phân loại vang của Pháp (đôi khi thuật ngữ này được thấy trên một số ít chai rượu vang đá có xuất xứ từ vùng Alsace). Hầu hết các vùng ở Pháp đều có khí hậu ấm áp, không thích hợp để sản xuất loại rượu vang này.

Nhật Bản

Xem thêm thông tin: Rượu vang Nhật Bản

Xưởng rượu Furano tại thành phố Furano, tỉnh Hokkaidō của Nhật Bản sản xuất rượu vang đá vào mùa đông hằng năm.[22] Rượu vang đá của vùng Furano có sản lượng không nhiều nên chỉ được nghệ nhân sản xuất với số mẻ giới hạn và được bán ngay tại xưởng, cách ga Furano khoảng 3.3 km. Rượu vang đá Furano chỉ có duy nhất loại màu đỏ.

Hoa Kỳ

Các xưởng rượu tại miền bắc bang Michigan áp dụng quy tắc phân loại rượu vang của Đức, tức là chỉ những rượu vang nào được làm từ nho được hái khi còn đóng băng ở trên giàn thì mới được coi là rượu vang đá. Năm 2002, có 13,000 chai vang đá dung tích 375 ml được sản xuất bởi sáu xưởng rượu tại bang Michigan, một con số kỷ lục đương thời.[23] Các xưởng rượu mới thành lập sau này gần hồ Erie (nhất là tại bang Pensylvania, New York và quận Ashtabula, bang Ohio) cũng sản xuất rượu vang đá.[24]

Luật pháp Hoa Kỳ đối với rượu vang đá quy định rằng nho nguyên liệu phải ở trạng thái đông lạnh tự nhiên khi thu hoạch. Theo Cục thuế - thương mại rượu và thuốc lá Hoa Kỳ (Alcohol and Tobacco Tax and Trade Bureau): "Rượu vang được làm từ nho đông lạnh sau thu hoạch không được dán nhãn 'rượu vang đá' hoặc bất kể một nhãn tên biến thể cùng nghĩa, nếu cần cho biết rằng sản phẩm rượu vang được làm từ nho đông lạnh mà không phải là rượu vang đá, nhãn được cấp phép cần có thông tin cho biết rằng nho nguyên liệu được cấp đông sau thu hoạch."[25][26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Rượu vang đá http://www.winepros.com.au/jsp/cda/reference/oxfor... http://www.foodtv.ca/content/entertaining/ContentD... http://www.statcan.gc.ca/pub/11-621-m/11-621-m2006... http://wine.appellationamerica.com/wine-review/525... http://www.decanter.com/news/94885.html http://www.hainle.com/estate-winery/history.html http://www.jancisrobinson.com/articles/20070112_1.... http://www.lakeerieliving.com/main/articles/the_wi... http://travel.nytimes.com/2010/02/26/travel/escape... http://www.ontariograpes.com/icewine.html